BOOK DATABASE
Behind The Bars - Book
Dạng: Book
Day 1
Hồi lớp 1, khi một giáo viên nói ở trên lớp, tôi chú ý lắng nghe, nhưng lý do chú ý lại hoàn toàn không phải vì tôi là đứa tập trung vào bài giảng. Chính xác hơn là tôi đã biết tất cả những gì đang và sẽ được dạy trong ngày hôm đó, trong tuần đó, trong tháng đó, trong năm học đó. Sở thích trong việc mở sách giáo khoa và đọc toàn bộ chúng trước khi nhập học đã khiến tôi không còn hứng thú tới những gì tôi được dạy trên lớp. Thay vào đó, tôi tìm niềm vui và sự hứng thú ở việc tìm lỗi sai của giáo viên trước mặt những đứa bạn cùng trang lứa. Hồi đó, thật sự không có gì vui bằng việc nhìn bà giáo viên tức tối khi bị chỉnh bởi một đứa trẻ con. Tôi làm việc này ít nhất 6 lần trong học kỳ đầu tiên của năm học lớp 1 nhưng tôi chưa bao giờ có một chút ký ức nào về việc một giáo viên thừa nhận rằng: "Ồ, trò nói đúng, Lelouch. Cô sai rồi." Tuy nhiên tôi nhớ có hai lần tôi được đưa lên phòng hiệu trưởng vì tỏ ra là một đứa biết-tuốt trong lớp.
Mỗi lần được đưa lên phòng hiệu trưởng, tôi sẽ bị bắt đứng ngoài hành lang khoảng 15 phút và mẹ tôi sẽ biết tôi làm gì đó không đúng mực. Mẹ sẽ phạt tiếp khi tôi về nhà với mức phạt nâng lên gấp đôi, hoặc gấp ba, có thể là đứng ở trong bếp 30 phút hoặc 45 phút. Ngoại trừ việc nó giúp tôi học phép nhân nhanh hơn, nó không còn một tác dụng nào khác. Lúc đó, tôi ước trường học có thể dạy mỗi học sinh với một tốc độ khác nhau. Có những người như tôi muốn học nhanh hơn. Trường nên dạy cho học sinh với những tốc độ khác nhau. Tuy không trừng phạt được tôi nhưng tôi nghĩ nó giúp hình thành nhân cách của tôi sau này.
Lên lớp 2, tôi có một bà giáo viên là Vasquez - người đã biết về sự bất trị của Lelouch Lamperouge. Bà có một cái bịch đựng những mẩu giấy nhỏ, bên trong ghi tên của những học sinh trong lớp. Bà giải thích là mỗi tuần bà sẽ bốc thăm một học sinh trong lớp và người đó sẽ phụ giúp bà trong những việc như photo bài kiểm tra, hay mang dụng cụ tới phòng thể chất. Các bạn có thể hiểu nó như một vị trí mà nếu bạn ngồi vào thì bạn sẽ không phải làm cái việc mà bà đang bắt cả lớp làm. Kiểu như trúng xổ số, và bạn được sai đi làm việc vặt thay vì ngồi học. Tin tôi đi, ở lớp 2 thì đứa học sinh nào cũng thích. Chúng tôi gọi vị trí này là 'chạy việc'.
Với một lớp có 25 học sinh thì và số tuần học nhiều hơn 25 tuần thì sẽ có đứa được chạy việc ít nhất 2 lần. Đứa nào bốc thăm được thì sẽ bị bỏ tên của nó ra, thế nên ít nhất mỗi đứa đều được làm một lần trước khi tất cả những lá phiếu được bỏ lại vào bịch để chơi lại từ đầu. Sau khi học được khoảng nửa kỳ, còn khoảng 7 lá thăm nữa và tôi vẫn chưa được chọn thì bà Vasquez báo với cả lớp rằng bà làm mất cái bịch giấy và cách 'công bằng' nhất cho cả lớp đó là chơi lại từ đầu.
Gần cuối kỳ, khi chỉ còn 4 lá thăm nữa và 2 tuần nữa là hết học kỳ, khi có những đứa được 'chạy việc' 2 lần thì tôi vẫn chưa được chạy việc một lần nào. Không phải tôi cần vị trí đó nhưng tôi vẫn muốn một chút gì đó... công bằng, có lẽ thế. Điều đó đã xảy ra. Cái tên: Lelouch Lamperouge được đọc. Thực sự trong thâm tâm tôi lúc đó có gì đó vui, cảm giác bạn là một đứa học sinh lớp 2 và bạn đặc biệt hơn người khác chỉ một khoảnh khắc thôi.
Ước gì câu chuyện kết thúc ở đó, để cho các bạn đọc quyển sách này còn nở nụ cười vì một cái kết có hậu. Thế nhưng bà Vasquez nói một câu khiến tôi không hiểu tôi đã làm gì mà phải hứng nhận trận cười vào mặt bởi đám bạn bè của mình.
"Cô không nghĩ thế, trò không xứng đáng trở thành chân chạy việc của cô."
Bà ta không đùa, không cười, thậm chí còn không tìm cách làm cho nó nhẹ nhàng hơn. Một số học sinh biết là bà ta nói nghiêm túc, một số tưởng bà ta đùa. Nhưng không, bà ta thò tay vào trong bịch và lấy một mẩu giấy khác. Không đùa một chút nào. Thậm chí bà còn cầm mẩu giấy có tên tôi và quăng vào sọt rác chứ không cho nó trở lại bịch, ngay trước mặt những đứa học sinh khác.
Tôi nhớ tôi có cảm thấy xấu hổ, thất bại và có cảm giác tổn thương. Đó là một trong những cú sốc đầu tiên nhưng nó giúp tôi nhận ra rằng đừng cố tỏ ra mình biết hơn người khác. Thế giới này không công bằng. Hãy học cách chấp nhận điều đấy.